Nội dung chương trình Ngày hội Tái chế năm 2011

16/03/2011 03:17

I. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU

 

Chiếm trên 60% dân số, người lao động là thành phần có tiếng nói quan trọng trong xã hội, là nhóm đối tượng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động bảo vệ môi trường của Thành phố. Với chủ đề “3T và Người lao động”, Ngày hội Tái chế chất thải TPHCM lần 4 năm 2011 hướng đến nhóm đối tượng chính là người lao động nói chung và giới công nhân nói riêng, với nhiều hoạt động dành riêng cho người lao động bên cạnh các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ hưu trí… với mục đích: tiếp tục gia tăng mối quan tâm và nâng cao nhận thức cộng đồng đặc biệt là người lao động và về hoạt động Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế chất thải (3T), hướng đến thay đổi thói quen của người lao động đối với thải bỏ rác thải, khuyến khích người lao động áp dụng các giải pháp 3T trong lao động cũng như trong đời sông hàng ngày nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; hoàn thiện và phát huy hơn nữa các kết quả đạt được của Ngày hội tái chế chất thải TP.HCM các năm trước, tiếp tục triển khai các hoạt động 3T không chỉ trong Ngày hội mà đưa 3T trở thành các hoạt động quen thuộc trong cộng đồng Thành phố.

 

II. THỜI GIAN: từ 7:00 đến 19:00 ngày Chủ nhật 17/4/2011. Các hoạt động hưởng ứng Ngày hội được triển khai 1-2 tháng trước Ngày hội.

 

III. ĐỊA ĐIỂM: Nhà Văn hóa Lao động (55B Nguyễn Thị Minh Khai Q.1)

 

IV. THÀNH PHẦN THAM GIA:

 

-         Người lao động nói chung, đặc biệt là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố;

-         Học sinh, sinh viên và giáo viên các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Đại học trên địa bàn thành phố;

-         Các tổ chức đoàn thể: Liên đoàn Lao động TP, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Thành Đoàn TPHCM và Đoàn cơ sở các cấp, Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp, Hội nông dân TPHCM…

-         Các doanh nghiệp trong và ngoài nước có các hoạt động sản xuất, nghiên cứu, dự án thử nghiệm liên quan đến 3T…

-         Các trường đại học, các viện nghiên cứu, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tái chế chất thải...

 

V. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:

 

 

A. Các hoạt động trước Ngày hội

A1. Các hoạt động dành cho Người lao động

Với chủ đề “3T và người lao động”, Ngày hội Tái chế IV tập trung vào các hoạt động hướng đến nhóm đối tượng người lao động, đặc biệt là giới công nhân.

 

(1) Cuộc thi “Túi Tái chế” dành cho công nhân.

Cuộc thi khuyến khích công nhân chế tạo các loại túi xách, túi đựng hàng từ các loại vật liệu phế thải có thể dùng trong cuộc sống hàng ngày như một loại túi thân thiện với môi trường thay cho túi ni-lông.

 

(2) Các hoạt động thu gom chất thải nguy hại và các loại chất thải có thể tái chế

- Phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ thu gom chất thải nguy hại (pin, bóng đèn cũ, ắc quy, bình đựng hóa chất…) trên địa bàn thành phố 01 tuần trước Ngày hội và trong Ngày hội. Bên cạnh các điểm thu gom tại các quận Đoàn, phối hợp với Liên đoàn Lao động tổ chức các điểm thu gom tại Nhà Văn hóa Lao động, các khu tập trung công nhân của các khu công nghiệp;
- Phối hợp với đơn vị tái chế chựa và Liên đoàn lao động tổ chức thu gom và tái chế chai nhựa PET tại Nhà văn hóa Lao động và các khu tập trung công nhân;
- Phối hợp với đơn vị tái chế giấy và Liên đoàn lao động tổ chức thu gom và tái chế giấy phế liệu tại Nhà văn hóa Lao động và các khu tập trung công nhân, các trường học…

 

A.2 Các hoạt động dành cho các đối tượng khác

- Cuộc thi Sức sống mới từ phế thải dành cho học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông;
- Cuộc thi Thời trang từ vật liệu phế thải dành cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng;
- Cuộc thi Tranh cổ động 3T làm từ vật liệu tái chế dành cho Sinh viên;

 

A3. Các hoạt động tuyên truyền

Tuyên truyền đến mọi người dân, bao gồm người lao động đặc biệt là công nhân và học sinh, sinh viên về các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế (3T) nói riêng đồng thời cổ động cho Ngày hội Tái chế 2010 thông qua các kênh thông tin tuyên truyền của báo đài, Liên Đoàn lao động TP, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân…

Nội dung tuyên truyền:

-         Tác hại của rác thải và ô nhiễm môi trường đến sức khỏe cộng đồng;

-         Các khái niệm cơ bản về 3T;

-         Hướng dẫn phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải tại nhà.

 

A.4 Các hoạt động chuẩn bị cho Ngày hội

- Tuyển và tập huấn 200 tình nguyện viên (1 tháng truớc Ngày hội).
- Tổ chức họp báo (2 tuần trước khi Ngày hội diễn ra) thông báo kế hoạch tổ chức Ngày hội, phối hợp với các đơn vị báo đài tuyên truyền và cổ động cho Ngày hội.

 

B. Các hoạt động trong Ngày hội Tái chế chất thải

* Tại sân khấu chính: chiếu phim tư liệu đầu giờ, khai mạc Ngày hội, giới thiệu các video clip tuyên truyền, trao giải các cuộc thi, các tiết mục văn nghệ, thi thiết kế thời trang, giao lưu khách mời...

* Khu vực các gian hàng

 

(1) Khu vực triển lãm:

- Gian hàng triển lãm và hướng dẫn cách thức phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình và các quy trình tái chế các loại chất thải thông thường, chiếu phim về các vấn đề liên quan đến chất thải rắn, tái chế chất thải rắn trên thế giới và tại Việt Nam.
- Các gian hàng triển lãm các công nghệ, các sản phẩm tái chế của các doanh nghiệp;
- Gian hàng “Sức sống mới từ phế thải” triển lãm các sản phẩm đoạt giải của cuộc thi Sức sống mới từ phế thải của học sinh;
- Gian hàng “Túi thân thiện với môi trường” triễn lãm các sản phẩm túi thân thiện với môi trường

 

(2) Khu vực thu gom chất thải nguy hại và các chất thải có thể tái chế

- Gian hàng “Đổi chất thải lấy quà”: Người dân nộp các chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bình đựng hóa chất, bóng đèn hư cũ…) và được nhận các phần quà tương ứng (các vật dụng như bút viết, tập vở, móc khóa, đồ dùng gia dụng... từ các đơn vị tài trợ).
- Gian hàng “Thu gom chai PET nước giải khát” do Quỹ Tái chế phối hợp với các đơn vị tái chế nhựa thực hiện. Người dân giao nộp vỏ chai PET sẽ được tặng quà tương ứng.
- Gian hàng thu gom giấy phế liệu, vỏ hộp sữa do Quỹ Tái chế phối hợp với các đơn vị tái chế giấy, các đơn vị bao bì tiến hành. Người dân giao nộp giấy phế liệu, vỏ hộp sữa sẽ được tặng quà tương ứng.

 

(3) Khu vực trao đổi đồ dùng vật dụng cũ

Hoạt động trao đổi đồ dùng vật dụng cũ được tổ chức phục vụ nhóm đối tượng chính là người lao động, đặc biệt là công nhân với các hoạt động thiết thực như trao đổi đồ dùng vật dụng cụ, đổi đồ cũ lấy đồ mới:

- Gian hàng “Cũ người mới ta”. Mục đích của gian hàng nhằm tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là công nhân có cơ hội trao đổi những đồ dùng vật dụng đã qua sử dụng nhằm khuyến khích tái sử dụng, giảm thiểu phát sinh chất thải.
- Gian hàng “Đổi đồ cũ lấy đồ mới”. Quỹ Tái chế chất thải phối hợp với các các doanh nghiệp, các trung tâm điện máy tổ chức chương trình thu mua lại những đồ dùng gia dụng đã qua sử dụng, đổi lấy đồ dùng mới tương ứng.

 

(4) Khu vực Xếp và Trang trí túi giấy

Hướng dẫn các em học sinh xếp và trang trí túi giấy từ giấy cũ qua đó khuyến khích các em tái sử dụng giấy cũ và sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

 

(5) Khu vực trò chơi 3T

Khu vực trò chơi bao gồm nhiều gian hàng trò chơi với các hoạt động khác nhau dành cho mọi đối tượng người dân với các nội dung liên quan đến 3T nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung nhằm giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các hoạt động vui chơi thú vị.

 

C. Các hoạt động sau Ngày hội:

-         Duy trì các thông điệp để nâng cao mối quan tâm của cộng đồng về hoạt động 3T trên website Quỹ Tái chế chất thải, trên các kênh truyền hình, các bảng tin, báo chí…

-         Khảo sát ý kiến cộng đồng về Ngày hội nhằm đánh giá hiệu quả Ngày hội đối với nhận thức của nguời dân cũng như ‎ý kiến cộng đồng về các hoạt động liên quan đến 3T nhằm đề xuất các chương trình có thể triển khai trong thực tế.

-         Thống kê lượng chất thải nguy hại thu gom được và phối hợp với Công ty môi trường đô thị xử lý luợng chất thải nguy hại này.

Tin liên quan

Thông tin cần biết


Liên kết


Truy cập

Free Hit Counter

FACEBOOK